Một số điểm mới của Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (Điều tra DSGK 2024) là cuộc điều tra chọn mẫu thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia, ban hành theo Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc điều tra được tiến hành giữa hai kỳ của Tổng điều tra dân số.
Điều tra DSGK 2024 được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh, thành phố), gồm tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (huyện) ngoại trừ 4 huyện đảo nhỏ là: Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng); Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng); Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) với các mục đích chính sau:

- Thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

- Cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (viết gọn là Tổng điều tra 2019); làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020 - 2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Thời gian thu thập thông tin trong Điều tra DSGK 2024 bắt đầu từ ngày 01 tháng 4 năm 2024 đến ngày 30 tháng 4 năm 2024. Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

So với các cuộc điều tra trước về dân số, Điều tra DSGK 2024 có một số điểm mới:

Thứ nhất, kết quả Điều tra DSGK 2024 góp phần thực hiện Đề án 06. Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng và là một trong những cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Để phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) theo Quyết định số 06/QĐ-TTg. Đề án 06 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện nhiệm vụ thống kê, phân tích dân số đảm bảo nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí nhà nước. Kết quả của Điều tra DSGK 2024 góp phần thực hiện nhiệm vụ này của Tổng cục Thống kê.

Thứ hai, đối tượng điều tra có sự thay đổi. Trong các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở đã thực hiện cũng như các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hằng năm, đối tượng điều tra của cuộc điều tra chỉ bao gồm người có quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên khác với cuộc điều tra trước đó, đối tượng điều tra của Điều tra DSGK 2024 là hộ dân cư và nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư, không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.

Bên cạnh đó, trong cuộc điều tra DSGK 2024 lần này, người có quốc tịch nước ngoài lần đầu tiên được đưa vào là đối tượng điều tra, nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn thống kê và khuyến nghị của quốc tế về thống kê dân số, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Công tác thu thập thông tin đối với người nước ngoài được quy định cụ thể như sau:

- Đối với hộ có người nước ngoài sống cùng người Việt Nam: Thu thập các thông tin như đối với người Việt Nam (trường hợp người nước ngoài nghe và nói được tiếng Việt: Phỏng vấn trực tiếp người nước ngoài; trường hợp người nước ngoài không thể nghe và nói được tiếng Việt: Hỏi thông tin về người nước ngoài qua người Việt Nam sống cùng trong hộ).

- Đối với hộ chỉ bao gồm người nước ngoài: Sử dụng phiếu dành riêng cho người nước ngoài chỉ gồm 10 câu hỏi để thu thập thông tin về giới tính, tuổi, quốc tịch, nơi sinh, tình trạng di chuyển, tình trạng nhà ở của hộ (phiếu điều tra được dịch ra 6 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để phù hợp nhất với hộ người nước ngoài được chọn).

Thứ ba, Điều tra DSGK 2024 có quy mô mẫu lớn. Điều tra DSGK 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Dàn chọn mẫu sử dụng trong Điều tra DSGK 2024 là dàn mẫu tổng thể của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐTDS 2019). Điều tra DSGK 2024 có cỡ mẫu 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương 39.340 địa bàn), mẫu được chọn ở tất cả các huyện với quy mô mẫu đảm bảo các chỉ tiêu về quy mô dân số được đại diện đến cấp huyện (khoảng trên 1,1 triệu hộ mẫu). Do đó, quy mô mẫu của Điều tra DSGK 2024 là khá lớn.

Thứ tư, kết hợp phương pháp thu thập thông tin trực tiếp và gián tiếp: Trong Điều tra DSGK 2024 lần này thu thập thông tin đối với đối tượng điều tra là người nước ngoài. Do đó, ngoài phương pháp thu thập thông tin phỏng vấn trực tiếp như các cuộc điều tra trước đây, Điều tra DSGK 2024 còn kết hợp phương pháp gián tiếp, áp dụng đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt.

Thứ năm, sử dụng kết hợp công cụ thu thập thông tin là phiếu điều tra điện tử và phiếu điều tra in trên giấy: Điều tra DSGK 2024 sử dụng phiếu điều tra điện tử cài đặt trên thiết bị di động là chính. Bên cạnh đó còn sử dụng phiếu điều tra in trên giấy để gửi đến hộ kèm Thư gửi hộ đối với những hộ mà toàn bộ thành viên là người nước ngoài, không giao tiếp được bằng tiếng Việt.

Ngoài ra còn một số điểm mới liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin, xử lý, tích hợp kết quả và một số khâu khác của cuộc điều tra. Để chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc điều tra quan trọng này, các tổ công tác đã được thành lập ở cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố với thành phần gồm ngành Thống kê, các sở, bộ, ngành liên quan như Công an, Y tế, Tư pháp.../.

Cao Văn Hoạch
Phó Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê - TCTK

Nhà tưởng niệm Nha Thống kê Việt Nam tại thôn Lập Bình, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

CHÍNH THỨC LẤY NGÀY 6 THÁNG 5 HÀNG NĂM LÀ “NGÀY THỐNG KÊ VIỆT NAM”

Để ghi nhận và tôn vinh đóng góp quan trọng của Thống kê Việt Nam vào sự phát triển đất nước. Ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 510/QĐ-TTg lấy ngày 6 tháng 5 hằng năm là “Ngày Thống kê Việt Nam”. Đây là sự kiện đặc biệt đối với ngành Thống kê, thống kê bộ, ban, ngành, địa phương, người làm công tác thống kê trong cả nước và tất cả người dân tham gia cung cấp thông tin thống kê cho nhà nước.

Ngày 6 tháng 5 hằng năm là “Ngày Thống kê Việt Nam” cho thấy:

Ý nghĩa lịch sử của Thống kê Việt Nam: thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ và văn minh. Ngày 06 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam nằm trong Bộ Quốc dân Kinh tế đánh dấu sự kiện lịch sử ngày thành lập cơ quan thống kê đầu tiên trong bộ máy nhà nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quá trình 75 năm Thống kê Việt Nam luôn khẳng định được sứ mệnh, vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê kinh tế – xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành; đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Công tác thống kê luôn khẳng định là một ngành khoa học, chuyên môn, chuyên sâu để phản ánh tất cả các hoạt động trong bức tranh tổng thể về kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, hoạt động thống kê liên quan đến hầu hết các ngành, lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, sinh học, y học, khí tượng thủy văn, vv….

Tăng cường nhận thức và đồng hành, gắn kết giữa đối tượng cung cấp thông tin, đối tượng sản xuất thông tin và đối tượng sử dụng thống tin thống kê nhằm sản xuất thống tin thống kê nhanh nhất, chính xác nhất đáp ứng kịp thời tất cả nhu cầu sử dụng thông tin thống kê.

Thống kê Việt Nam chủ động, thích ứng và hội nhập: Liên hợp quốc chọn ngày 20 tháng 10 là “Ngày Thống kê thế giới” để tôn vinh vai trò và đóng góp của công tác thống kê đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn cầu. Nhiều nước cũng đã lựa chọn một ngày cụ thể là “ngày Thống kê quốc gia” để khẳng định vai trò, vị thế và ghi nhận đóng góp của hoạt động thống kê đối với sự phát triển của quốc gia.

Theo quyết định được ban hành, Ngày Thống kê Việt Nam được tổ chức kỷ niệm vào ngày 6/5 hằng năm trong toàn quốc nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu ngành, yêu nghề; đồng thời khích lệ, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ luật pháp, khơi dậy và phát huy niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, người lao động, người làm công tác thống kê trong cả nước.

 

KỶ YẾU 75 NĂM NGÀNH THỐNG KÊ

Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bộ máy chính quyền các cấp được hình thành và đi vào hoạt động. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về thông tin kinh tế – xã hội của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, ngày 06 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam, tiền thân của Tổng cục Thống kê ngày nay. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với Thống kê Việt Nam.

Trải qua chặng đường 75 năm hình thành và phát triển, ngành Thống kê Việt Nam đã từng bước hoàn thiện về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu thông tin của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin khác, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Các thế hệ công chức, viên chức và người lao động làm công tác thống kê ở bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào cũng luôn rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để ôn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành Thống kê Việt Nam từ khi thành lập đến nay qua từng giai đoạn, Tổng cục Thống kê trân trọng giới thiệu cuốn Kỷ yếu “Ngành Thống kê – 75 năm xây dựng và phát triển”. Nội dung Kỷ yếu gồm 2 phần:

– Phần thứ nhất: 75 năm – Những chặng đường hình thành và phát triển;

– Phần thứ hai: Các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê .

Mặc dù đã cố gắng trong quá trình biên soạn, song Kỷ yếu này sẽ không tránh khỏi thiếu sót và chưa đáp ứng hết nhu cầu tìm hiểu của quý độc giả, Tổng cục Thống kê mong nhận được những góp ý từ cả trong và ngoài ngành để hoàn thiện, bổ sung trong những lần xuất bản sau./.

Thống kê lượt truy cập

18302
Today: 14
This Week: 54
This Month: 41